Nguồn gốc trà Mạn và Trà Mạn Hảo

Mạn Hảo là tên một loại danh trà. Trong thời buổi nước mất nhà tan, trà Mạn Hảo được xem là một trong ba thú vui của đấng nam nhi Việt dùng để “gạt sầu nuốt hận” dưới ách nô lệ ngoại bang.

Mạn Hảo là một địa danh Việt trước thuộc Đại Việt. Từ thời vua Tự Đức, sau Hiệp ước Pháp – Thanh ký năm 1885 mới thuộc Vân Nam, Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu khoa học Trịnh Quang Dũng trong cuốn “Văn Minh Trà Việt” (NXB Phụ Nữ, 2012), ban đầu đất Hà Giang thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba “Tộc tướng” xứ Thái. Năm 1473, nhà Lê sơ đổi tên thành châu Vị Xuyên. Vào cuối thế kỷ XVII, tộc trưởng người Thái dâng đất Vị Xuyên cho Trung Hoa. Chúa Trịnh Cương (1709 – 1729) đã kiên quyết đòi nhà Thanh trả lại. Sau nhiều năm trì hoãn, năm 1728, triều đình Thanh đã trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô.

Tuy nhiên, chỉ hơn 150 năm sau, vào thời Tự Đức, vùng đất này một lần nữa lại về tay nhà Thanh theo Hòa ước Pháp – Thanh ký năm 1885. Tháng 7-1886, hai bên mới cử ủy viên đại diện lên Bảo Thắng (Lào Cai) phân định biên giới giữa Bắc Kỳ và Vân Nam. Ngay sau đó, Nhà Thanh tổ chức khai trương thành phố Mạn Hảo tỉnh Vân Nam. Từ đó, địa danh Mạn Hảo chính thức rời khỏi lãnh thổ Việt và danh trà Mạn Hảo Việt nổi tiếng dần phôi phai, thậm chí còn bị ngộ nhận là trà của Trung Hoa.

Mãi tới năm 1895, ranh giới Hà Giang mới được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay. Dù vậy, danh trà vùng Mạn Hảo vẫn được lưu truyền trong dân gian “Chồng em đi ngược về xuôi/ Buôn chè Mạn Hảo tháng ba thì về” và ngày nay còn được bán tại chợ Cốc Lếu – Lào Cai dưới cái tên mới: Chè móc câu Phong Hải (Bảo Thắng).

Theo nhận định của tác giả Trịnh Quang Dũng, trà Mạn Hảo là một danh trà quý, đắt tiền dành cho tầng lớp quý tộc trong xã hội Việt Nam đương thời, chủ yếu là tầng lớp nho sĩ, trí thức, quan lại và hoàng tộc. Sau này dân gian gọi chung là trà Mạn vừa có ý nghĩa là trà Mạn Hảo vừa mang ý nghĩa là trà mạn ngược vùng Tây Bắc Việt Nam.

Trà mạn ngược là loại trà cổ thụ rừng, thân mộc vùng Hà Giang – Lai Châu – Yên Bái được đóng thành bánh gói giấy đỏ giữa có đóng nhãn đề năm sản xuất. Trà Mạn rất được ưa chuộng. Nguyên liệu lấy từ trà Shan Tuyết cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang, mọc tự nhiên trên những dãy núi ở độ cao 800m – 2.400m, quanh năm sương phủ. Chọn lựa những búp non, những lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín; sau đó đóng bánh, phơi khô, cho trà vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ 3 – 4 năm cho trà phong hóa bớt chất chát, hết mùi ngái, có độ xốp như giấy bản mà vẫn lưu giữ được hương vị đặc trưng mới đem ra dùng, vì thế bao giờ cũng phải ghi rõ thời gian chế biến.

Có thể thấy rằng, cho tới những thập niên đầu thế kỷ XX, văn hóa trà sen ở Hà Nội xưa chỉ ướp bằng trà mạn Hà Giang với sen Tây Hồ chưa bóp cánh với độ hương cao nhất chứ không ướp trà sen bằng trà Phú Thọ hay trà Thái Nguyên như ngày nay.

Trà Mạn Hảo, trà Mạn dần dần biến mất từ giữa thế kỷ XX và để lại nhiều hoài niệm cho hậu thế. Chính vì vậy, Bashtea mang mong muốn khôi phục lại các dòng trà xưa để mọi người được biết đến danh trà Mạn Hảo lừng lẫy một thời. Các dòng trà Mạn Hảo do Bashtea làm đều lấy nguyên liệu là chè shan tuyết – giống cây chè chỉ mọc trên núi cao quanh năm mây mù bảo phủ.

Trà Mạn Hảo được ví như rượu vang, càng ủ lâu năm càng đậm đà làm say đắm lòng người và giá trị tăng dần theo thời gian.

Điểm mấu chốt để tạo nên sự khác biệt của Trà Mạn Hảo nằm ở khâu chế biến. Sau khi làm héo và diệt men thì được làm khô bằng cách phơi nắng. Do được làm khô tự nhiên nên trà Mạn Hảo lại tiếp tục lên men một phần nhỏ khi phơi.

Sau khi làm khô, nếu được đóng bánh ngay thì gọi là Mạn Hảo sống. Còn sau khi làm khô, lá trà tiếp tục trải qua quá trình ủ trong khoảng 30 đến 50 ngày thì có Mạn Hảo chín.

Người uống trà của Vietnam Bashtea thì nhiều nhưng chỉ số ít người biết được câu chuyện khôi phục lại dòng trà Mạn Hảo trải dài qua nhiều thập kỷ của vợ chồng Lão Bản – hai nghệ nhân được tiếp nối truyền thống làm trà từ gia đình. Cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Giang – nơi địa đầu của đất nước trong hai gia đình có truyền thống làm trà.

Từ tấm bé Lão Bản đã cùng bố chăm sóc đồn điền trồng chè, vợ Lão Bản thì được kế thừa tình yêu với lá trà từ gia đình và học làm trà từ nhỏ. Có lẽ bởi cùng một niềm yêu mà hai nghệ nhân nên duyên, cùng nhau trải qua nhiều gian khó để gây dựng lại thương hiệu trà Mạn Hảo.

Mỗi năm cứ đến mùa thu hái Lão Bản đều trực tiếp ăn ngủ ở rừng, ngày ngóng trời, đêm ngóng đất để đảm bảo cho ra được những mẻ trà tốt nhất. Vợ Lão Bản thì đem các dòng trà của Bashtea đi vòng quanh thế giới để giới thiệu với bạn bè quốc tế về các dòng trà Mạn Hảo quý làm từ cây chè shan tuyết cổ thụ với tinh chất trà đặc biệt chỉ có ở Việt Nam.

Trần Hiệp/Bashtea tổng hợp